CẢNH BÁO NHIỀU NGƯỜI DÂN NHIỄM KÝ SINH TRÙNG

   Trong thời gian từ ngày 30/9 đến 09/10/2024, Trung tâm Y tế huyện Lục Yên Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái tổ chức điều tra, đánh giá tỷ lệ nhiễm sán lá gan nhỏ và các bệnh ký sinh trùng đường ruột tại xã Phan Thanh và xã Trung Tâm huyện Lục Yên.
   Tại các xã đoàn đã tiến hành thu thập mẫu phân của người dân để xét nghiệm tìm trứng giun đũa, giun tóc, giun móc/mỏ, giun kim và sán lá gan nhỏ, sán lá gan lớn, sán lá ruột, sán lá phổi. Kết quả: Tại xã Trung Tâm tổng số người được xét nghiệm 257 tỷ lệ nhiễm 54,67%, tại xã Phan Thanh tổng số người được xét nghiệm 513 tỷ lệ nhiễm 74,87% kết quả này cho thấy tỷ lệ người nhiễm sán lá gan nhỏ và các bệnh ký sinh trùng đường ruột là rất cao.
1. Ký sinh trùng là gì?
  Là những sinh vật muốn tồn tại phải sống nhờ vào sinh vật đang sống khác như con người, động vật và thực vật. Những sinh vật bị ký sinh gọi là vật chủ. Ký sinh trùng sẽ chiếm sinh chất của vật chủ để tồn tại và phát triển.
2. Nguyên nhân:
👉 Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều là môi trường thuận lợi cho các loài ký sinh trùng sinh sôi và phát tán.
👉 Thói quen sinh hoạt, ăn uống hàng ngày như ăn đồ sống, uống nước chưa đun sôi.
3. Triệu chứng
👉Bệnh ngoài da
Các vấn đề về da thường gặp do ký sinh trùng gây ra bao gồm phát ban đỏ, chàm và một số dị ứng da khác. Ngoài ra, các chất thải từ sinh vật này tích tụ dưới da, làm tăng số lượng bạch cầu ái toan trong máu. Từ đó dễ dàng xảy ra các bệnh về da như loét, sưng tấy, tổn thương da.
👉 Tiêu hóa kém
Tiêu hóa kém là một trong những triệu chứng cơ thể bị nhiễm ký sinh trùng ở đường ruột. Có thể gây viêm và dẫn đến tiêu chảy mãn tính. Ngoài ra, chất độc của sinh vật này gây táo bón mãn tính, đầy hơi, buồn nôn và cảm giác nóng rát ở dạ dày.
👉Ngứa hậu môn
Giun kim là nguyên nhân gây ngứa hậu môn. Không giống như các loài khác, giun kim không xâm nhập vào máu. Và không thể sống ở các cơ quan khác của cơ thể. Chúng chỉ đẻ trứng bên ngoài cơ thể, thường là xung quanh hậu môn, gây ngứa ngáy, khó chịu.
👉Mệt mỏi Người nhiễm ký sinh trùng thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, mệt mỏi ngay cả khi ăn ngủ đầy đủ. Điều này cho thấy cơ thể đang bị giun đường ruột tấn công. Gây thiếu hụt chất dinh dưỡng do hấp thu hết chất dinh dưỡng trong cơ thể.
👉Thường xuyên thèm ăn
Khi cơ thể bị nhiễm ký sinh trùng có thể khiến thói quen ăn uống thay đổi đột ngột, đặc biệt là thèm ăn liên tục. Thực tế, việc bạn luôn ăn nhiều hơn bình thường chính là dấu hiệu cơ thể bạn đang bị nhiễm sán dây hoặc giun đường ruột. Nguyên nhân là do sinh vật này tiêu thụ một lượng lớn thức ăn vào cơ thể. Nên luôn gây ra cảm giác đói và thèm ăn ở người bệnh. Cơ thể dù ăn nhiều nhưng vẫn không hấp thụ được gì.
👉Sụt cân, suy dinh dưỡng
Nhiễm ký sinh trùng làm suy giảm hoạt động của ruột. Cơ thể người bệnh dễ xuất hiện các triệu chứng như táo bón, chán ăn, đau bụng. Tiêu chảy và một số loài ký sinh trùng hút máu và chất dinh dưỡng từ vật chủ. Khiến vật chủ sụt cân, thậm chí suy dinh dưỡng.
👉Nghiến răng
Nghiến răng bất thường cũng là dấu hiệu cơ thể đang bị bệnh. Một nghiên cứu được thực hiện ở Mỹ đã chỉ ra mối liên hệ giữa ký sinh trùng đường ruột và thói quen nghiến răng ở trẻ khi ngủ.
👉Thiếu máu
Nhiễm giun đường ruột hoặc giun tròn có thể gây thiếu sắt trong cơ thể và dẫn đến thiếu máu.
👉Thay đổi tính cách
Khi bị nhiễm ký sinh trùng, tâm lý của người bệnh thay đổi, trở nên lo lắng, bất an. Thậm chí ảnh hưởng đến thần kinh với triệu chứng thiếu tập trung và mất trí nhớ.
4. Cách phòng
👉Tạo thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân
+ Cần cắt móng tay sạch sẽ, gọn gàng và từ bỏ thói quen mút, liếm tay, chạm vào mắt, mũi, miệng hoặc các vết thương hở.
+ Rửa tay thường xuyên và hàng ngày, trước khi ăn, khi chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh…
+ Sử dụng bộ dụng cụ vệ sinh cá nhân riêng: bàn chải đánh răng, khăn tắm, lược…
+ Ăn thức ăn nấu chín và uống sôi, không nên ăn thực phẩm tươi sống như gỏi cá sống, thịt chưa nấu chín,…
👉Vệ sinh đồ dùng cá nhân thường xuyên Các vật dụng cá nhân không được vệ sinh thường xuyên có nguy cơ trở thành môi trường sống của ký sinh trùng. Bao gồm đồ chơi, quần áo, đồ dùng cá nhân. Chính vì vậy chúng ta cần phải vệ sinh đồ dùng, đồ chơi bằng cách làm sạch và khử trùng, đặc biệt là đồ chơi của trẻ nhỏ. Trẻ thường cầm, chơi, cho đồ vật vào miệng tạo điều kiện cho giun, sán dây có cơ hội xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng.
👉Ăn uống hợp vệ sinh
Người lớn nên hạn chế ăn các thực phẩm sống phổ biến như tiết canh, cá sống, rau xanh,… và tránh ăn uống ở những hàng quán mất vệ sinh.
👉Tẩy giun định kỳ
Tẩy giun định kỳ cho trẻ em và người lớn là cách phòng ngừa bệnh ký sinh trùng hiệu quả. Các chuyên gia cũng khuyên bạn nên tẩy giun định kỳ, trừ trẻ em dưới một tuổi và phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
👉Hãy trang bị đầy đủ tư trang khi khám phá những địa điểm hoang dã
Nhiều loại ký sinh trùng nguy hiểm sống ở vùng khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là vùng khí hậu hoang dã và ẩm ướt. Khi đi du lịch đến những nơi này, chúng ta phải mặc quần áo, tắm rửa. Và khử trùng đồ dùng cá nhân thường xuyên để tránh nguy cơ ký sinh trùng bám vào quần áo, da hoặc vết thương hở. Từ đó chúng có cơ hội xâm nhập vào cơ thể.
❌️ Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh hãy đến Trung tâm Y tế huyện Lục Yên để được khám và tư vấn.
🏥 TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN LỤC YÊN
📍 Địa chỉ: Tổ 9 – Thị trấn Yên Thế – Huyện Lục Yên – Tỉnh Yên Bái.
☎️ Hotline: 02163.845.348
Lượt xem: 4

Bài viết liên quan:

CẢNH BÁO NHIỀU NGƯỜI DÂN NHIỄM KÝ SINH TRÙNG

Thư mời báo giá

Bác sỹ CKI Trần Trung Thành – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lục Yên cùng tổ công tác đã trực tiếp đến chỉ đạo chuyên môn các Trạm Y tế xã và thăm hỏi động viên các gia đinh bị nạn trong cơn bão số 3.

Thông báo tuyển dụng: Công nghệ thông tin

Sau mưa lũ, ngập úng cần làm gì để bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh tật?